Các trao đổi tại hội thảo diễn ra ở Đà Nẵng ngày 15.12,êngiaMỹvàViệtNamtraođổicácvấnđềytếthờiđạchỉnh ảnh nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của GS.TS.BS Jeffrey Glenn - Viện trưởng Viện vi sinh và chống dịch Stanford, TS.BS Edward Pham - Viện phó, cùng nhiều chuyên gia hàng đầu tại Stanford, kéo dài từ 13-16.12 theo lời mời của Viện nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Nhiều hoạt động khoa học hướng đến mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về khoa học y tế chuyên sâu nhằm triển khai các nghiên cứu, phát minh mới về y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại Việt Nam.
Chào đón đoàn, GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tâm Anh, cho biết: "Thay vì chỉ ra nước ngoài học hỏi, nghiên cứu, Viện nghiên cứu Tâm Anh nỗ lực mời ngày càng nhiều các chuyên gia, nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới đến Việt Nam. Chúng tôi muốn tham vấn các góc nhìn, đánh giá mới, tận dụng trí tuệ quốc tế về chính các vấn đề y tế, dịch bệnh và công tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin và thuốc mới tại Việt Nam, phù hợp với dịch tễ học và tình hình thực tế của Việt Nam".
Tại hội thảo, là một chuyên gia hàng đầu về vi khuẩn học & phát triển thuốc chống vi rút, Giáo sư Jeffrey Glenn trình bày báo cáo "Phương pháp mới điều trị viêm gan siêu vi D" thu hút giới chuyên môn, do Việt Nam vẫn chưa có kỹ thuật xét nghiệm và vắc xin phòng bệnh này. Giáo sư Jeffrey Glenn cho biết Viện vi sinh & chống dịch Stanford đã xúc tiến đào tạo kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D.
Các chuyên gia cảnh báo, người mắc cùng lúc viêm gan siêu vi B và D càng khiến bệnh tiến triển đến xơ gan nhanh hơn và tăng tỷ lệ tử vong. Dịch bệnh giống như một cuộc chiến, các thuốc điều trị và vắc xin mới đóng vai trò quan trọng, cần bắt đầu sớm.
Ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới, người đứng đầu Stanford cho biết hai bên sẽ định hướng mô hình khả thi để phát triển cộng đồng các bác sĩ có động lực nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Việt Nam cần thúc đẩy hơn nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm mới. Hai Viện cùng nhau xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
Việc ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám và điều trị bệnh theo xu thế mới cũng được hai bên trao đổi. Các chuyên gia từ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn về ứng dụng robot AI trong mổ u não, đột quỵ xuất huyết não; Công nghệ nuôi phôi AI, cải thiện tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm; Ứng dụng siêu "thuật toán" AI trong dựng hình, đo đạc cấu trúc tim thai, phát hiện bất thường nhỏ nhất. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn ứng dụng công nghệ thực tế ảo "Mắt thần" Knee+ trong phẫu thuật tạo hình khớp gối nhân tạo; can thiệp phì đại lành tính tuyến tiền liệt không phẫu thuật với sự trợ giúp của AI, "siêu chọn lọc" đúng các mạch máu cần can thiệp.
Đại diện Stanford cho rằng các đột phá công nghệ sẽ giúp ngành y tế thay đổi mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ AI có thể rút ngắn được quá trình sản xuất ra các loại thuốc mới, phù hợp riêng cho từng người.
Ở lĩnh vực y tế dự phòng, BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC trình bày các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vắc xin phòng bệnh với các chuyên gia Mỹ, từ đó tìm cách đối phó tốt hơn. Hiện Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm gan siêu vi B… nhưng chưa có vắc xin cho sốt xuất huyết, tay chân miệng.
GS.BS Harry B. Greenberg - Cố vấn Viện vi sinh & chống dịch Stanford, cho biết sự thay đổi trong nhân khẩu học, các bệnh truyền nhiễm diễn biến nhanh, tốc độ ra thuốc mới, vắc xin mới không kịp tốc độ phát sinh các loại bệnh mới. Nhu cầu về thuốc, chăm sóc, thăm khám sức khỏe và dự phòng bệnh ngày càng tăng.
Ông đánh giá cao năng lực y tế dự phòng tại VNVC, cho rằng mô hình VNVC là duy nhất trên thế giới, có thể công bố trên các tạp chí quốc tế về một hình mẫu triển khai tiêm vắc xin. "Mô hình VNVC đóng góp lớn vào sự phổ cập tiêm vắc xin không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, cải thiện nỗi lo tiêm vắc xin của nhiều người nhờ những dự án truyền thông, giáo dục cộng đồng hiệu quả", giáo sư Greenberg cho biết.
Trong chuyến thăm và làm việc, các chuyên gia Việt - Mỹ còn trao đổi nhiều chủ đề lớn mang tính thời đại như: Khả năng lập trình các loại thuốc kháng vi rút, Tương lai ngành công nghệ sinh học mới, Chuyển tải các nghiên cứu y sinh học cơ bản thành các ứng dụng chữa trị mới… Giáo sư Jeffrey Glenn đánh giá Tâm Anh sở hữu hệ thống bệnh viện lớn, viện nghiên cứu, hàng trăm trung tâm tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc và xây dựng trường đại học chú trọng đến năng lực khoa học cơ bản, cho thấy đủ tầm vóc trở thành đối tác lý tưởng của Stanford.
GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các chiến lược về y tế và chăm sóc sức khỏe mà Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh & chống dịch Stanford đã ký kết vào tháng 9.2023. Mục tiêu của hai bên là đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới; ứng dụng công nghệ AI và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh.
Sự kiện tiếp tục khẳng định nỗ lực đưa Việt Nam tiếp cận khoa học thế giới trong thời đại mới, thông qua vai trò quan trọng của các giáo sư, các nhà khoa học.